Nhà tuyển dụng “soi” gì trong hồ sơ xin việc?

09:33:4908/06/2017

Nhà tuyển dụng chỉ dành vài giây đồng hồ để lướt qua hồ sơ của bạn trước khi quyết định bạn có được lọt tiếp vào vòng trong. Để có cơ hội đi tiếp, bạn cần tránh mắc những lỗi then chốt dễ đập vào mắt họ trong vài giây rà soát ngắn ngủi đó.

1. Hồ sơ cho thấy bạn có truyền thống “nhảy” việc:
 
Nếu bạn có một “bề dày lịch sử” nhảy việc sau khi làm chỉ một thời gian ngắn, các nhà tuyển dụng sẽ đặt câu hỏi liệu bạn có phải là người quá dễ chán việc hay không giữ nổi công ăn việc làm. Nếu bạn có lý do phù hợp cho việc thay đổi chỗ làm, hãy nêu rõ ở vị trí dễ nhìn thấy trong hồ sơ để đảm bảo rằng, nhà tuyển dụng sẽ không đưa ra kết luận sai lầm.
 
2. Bạn mắc lỗi ngữ pháp hoặc chính tả:
 
Đây là những lỗi có thể khiến hồ sơ của bạn bị loại ngay lập tức, bởi những lỗi này truyền tải tới nhà tuyển dụng thông điệp rằng, bạn không chú ý tới chi tiết. Các nhà tuyển dụng luôn tin rằng, bạn đã “đánh bóng” hồ sơ xin việc hơn hầu hết các loại tài liệu khác. Bởi thế, khi có lỗi ngữ pháp hay chính tả, họ dự đoán khi làm việc, bạn sẽ thậm chí còn mắc nhiều lỗi hơn.
 
3. Diễn đạt kém:
 
Ngay cả đối với những công việc không đòi hỏi kỹ năng viết lách hoàn hảo, nhà tuyển dụng vẫn muốn bạn là một người giao tiếp tốt. Nếu bạn không viết rõ ràng và súc tích, nhà tuyển dụng sẽ lo ngại về năng lực giao tiếp của bạn trong công việc. Bên cạnh đó, nhiều nhà tuyển dụng sẽ lấy chất lượng viết lách hồ sơ của bạn như một bằng chứng để đi đến kết luận về độ thông minh của bạn.
 
4. Bạn “nổ” khi miêu tả về bản thân:
 
Các nhà tuyển dụng thường “chướng tai gai mắt” khi đọc trong hồ sơ xin việc thấy những từ như “bộ óc có tầm nhìn”, “người đổi mới đầy sáng tạo” hoặc “nhà lãnh đạo uy tín”… bởi đây là những từ mà người khác có thể dùng để nói về bạn, nhưng bạn không nên dùng để miêu tả bản thân. Việc đưa những từ như vậy vào hồ sơ xin việc cho thấy bạn là một người ngây thơ, hoặc tự mãn, hoặc cả hai. Vì thế, hãy chỉ tập trung vào kinh nghiệm làm việc và thành tích của bạn.
 
5. Thiếu bằng chứng về thành tích công việc:
 
Nếu hồ sơ xin việc của bạn chỉ liệt kê những nhiệm vụ mà bạn đã làm ở mỗi công việc, thay vì những gì bạn đã đạt được trong các công việc đó, bạn sẽ phát đi tín hiệu rằng, bạn chẳng bao giờ làm được gì hơn những yêu cầu tối thiểu. Nhà tuyển dụng thì khác, họ muốn tìm kiếm những ứng viên có lịch sử thành tích, không chỉ đáp ứng những yêu cầu tối thiểu mà cần phải vượt lên trên những yêu cầu đó và làm được mà những ứng viên bình thường không thể làm.
 
6. Không có xu hướng trong lựa chọn nghề nghiệp:
 
Nếu bạn chuyển từ một công việc không liên quan sang một công việc khác mà không thể hiện được một xu hướng rõ ràng nào, nhà tuyển dụng sẽ hoài nghi về cam kết của bạn với vai trò mà bạn đang nộp đơn xin. Hầu hết các công ty đều muốn xem qua hồ sơ của bạn để hiểu xem bạn đã đạt được những tiến bộ ra sao trong 1-2 lĩnh vực, thay vì cố gắng trả lời câu hỏi làm thế nào mà bạn lại có thể nhảy từ nghề viết phần mềm sang nhân viên kinh doanh, y tá, rồi biên tập video…
 
7. Thiếu sự chuyên nghiệp:
 
Nếu hồ sơ của bạn có những thông tin về vợ/chồng và con bạn, hoặc những thông tin khác không liên quan tới bạn với vai trò một ứng viên xin việc, hầu hết các nhà tuyển dụng sẽ coi bạn là một kẻ “khờ”, và tệ hơn là không chuyên nghiệp.
 
8. Những khoảng thời gian trống kéo dài giữa các công việc của bạn:
 
Khi nhà tuyển dụng thấy có những khoảng thời gian dài bạn “ăn không ngồi rồi”, họ sẽ đặt câu hỏi liệu điều gì đã xảy ra trong những khoảng thời gian đó. Nếu bạn thôi một công việc trước và không làm gì tiếp theo, thì lý do là gì? Giả sử như bạn làm ở một nơi khác trong khoảng thời gian đó, thì tại sao bạn lại chủ ý giấu diếm? Chắc chắn, những khoảng trống sẽ làm xuất hiện những nghi vấn trong đầu nhà tuyển dụng và điều này có thể gây bất lợi cho bạn.
 
- Phương Anh / Theo USNews,
Verification:
captcha